Các trường học chuẩn bị điều kiện dạy học trực tuyến

Đăng lúc: 16:06:03 21/04/2020 (GMT+7)

Từ ngày 30/3, sau một thời gian chuẩn bị, Thanh Hóa bắt đầu triển khai thí điểm dạy học ôn tập kiến thức học kỳ I đối với một số môn học lựa chọn. Trong đó, phần mềm E-Learning của Viễn thông Thanh Hóa triển khai tại các trường: THPT Hàm Rồng, THCS Trần Mai Ninh. Phần mềm ViettelStudy của Viettel Thanh Hóa triển khai tại các trường: THPT Đào Duy Từ, THCS Điện Biên

Ngoài ra, các trường học khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị viễn thông để đưa vào triển khai dạy và học trực tuyến. Đây được xem là giải pháp giáo dục khả thi trong thời điểm dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh như hiện nay.

 dạy trực tuyến.jpg

Các nhà trường đang chuẩn bị các điều kiện để dạy học trực tuyến.

Tại Trường THPT Chuyên Lam Sơn, những ngày qua nhà trường đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ khẩn trương lắp đặt các thiết bị như camera, micro không dây cho 10 phòng học của cả 3 khối để chuẩn bị triển khai việc dạy học trực tuyến. Để triển khai tổ chức học tập trực tuyến, nhà trường cũng đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng: Cài đặt và tập huấn sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến cho giáo viên và học sinh; lên phương án; tìm kiếm giải pháp phù hợp, có thể đáp ứng việc học đồng thời của nhiều học sinh...

Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lam Sơn cho biết: Hiện nay, các thiết bị, máy móc đang được lắp đặt. Đường truyền chúng tôi đã chuẩn bị xong. Mỗi khối nhà trường sẽ cố gắng chuẩn bị 3 - 4 bộ thiết bị, dần dần tiến tới tăng cường thêm để chủ động hơn trong việc dạy và học nhằm mang lại hiệu quả dạy học tối ưu nhất.

Tại Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn), nhà trường đã phối hợp với VNPT Thanh Hóa mở lớp tập huấn về phần mềm giảng dạy trực tuyến VNPT E-Learning, về phương pháp dạy học trực tuyến cho giáo viên và học sinh. Thông qua lớp tập huấn, giúp giáo viên nhà trường củng cố thêm kiến thức dạy học trực tuyến; học sinh có thể học tập tại nhà. Ngoài ra, để việc dạy học trực tuyến mang lại hiệu quả cao, Trường THPT Chu Văn An đã thành lập tổ công nghệ thông tin, xây dựng chương trình giảng dạy, hướng dẫn các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giảng dạy, cung cấp tài liệu để học sinh ôn tập; phối hợp với phụ huynh học sinh theo dõi việc học tập của con em mình qua đó củng cố thêm mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình học sinh.

Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý cho triển khai thí điểm học trực tuyến đồng thời cả 2 hệ thống E-learning và Viettelstudy tại 4 trường học thuộc cấp trung học phổ thông và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng, các nhà trường có thể tạo ra những lớp học trực tuyến riêng cho giáo viên và học sinh.

Với thao tác đơn giản là đăng nhập vào hệ thống giáo dục trực tuyến miễn phí của VNPT E-learning có tên miền http://thanhhoa.lms.vnedu.vn và hệ thống mạng xã hội học tập Viettelstudy có tên miền http://viettelstudy.vn thì cả thầy và trò đều có thể tạo thành 1 lớp học trực tuyến trên không gian mạng như một lớp học thông thường mà không cần đến lớp.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đào Hồng Ánh, Giám đốc Khách hàng - Doanh nghiệp, Viettel Thanh Hóa cho biết: Trong thời gian vừa qua, tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị các điều kiện để dạy học trực tuyến trong thời điểm học sinh phải nghỉ học vì dịch Covid-19. Để việc dạy và học của giáo viên và học sinh không bị gián đoạn vì nghỉ học, Viettel cam kết đồng hành cùng tỉnh, đầu tiên là hỗ trợ miễn phí phần mềm, đường truyền internet để hỗ trợ cho việc dạy và học trực tuyến của các trường.

Trên các phần mềm đều tích hợp kho dữ liệu với hàng nghìn bài giảng điện tử phong phú, đạt tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT đầy đủ các cấp học. Từ hệ thống bài giảng điện tử mà giáo viên chủ động xây dựng, các nhà trường có thể lựa chọn và dạy học trực tuyến cho học sinh trong đợt dịch Covid-19. Ngoài ra, hệ thống phần mềm còn có chức năng quản lý kho học liệu, quản trị khóa học, quản trị kỳ thi với điểm cầu chủ hiển thị hình ảnh giáo viên đang giảng dạy, các điểm cầu con là hình ảnh học sinh hoặc tài liệu được chia sẻ. Trong quá trình học, giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau qua chức năng nhắn tin hoặc nói trực tiếp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc VNPT Thanh Hóa cho biết: Chúng tôi đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh để triển khai, tập huấn sử dụng  phần mềm dạy học trực tuyến. Đến nay, đã tập huấn, hướng dẫn sử dụng cho hơn 700 cơ sở giáo dục. Giáo viên và học sinh sau khi được tập huấn đã có thể sẵn sàng triển khai dạy học qua phần mềm mà chúng tôi cung cấp một cách nhanh chóng, tiện lợi.

Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch 78/KH-UBND về việc triển khai thực hiện thí điểm học tập trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả thí điểm sẽ tổ chức rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình dạy học trực tuyến, thực hiện mô hình “Trường học thông minh”... nhằm ứng phó với tình huống thiên tai, dịch bệnh phải cho học sinh nghỉ học dài ngày.

Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi trội trong việc cung cấp và cập nhật kiến thức cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ học ở trường do dịch Covid-19, song vẫn còn nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn về việc quản lý học sinh và đánh giá chất lượng học tập. Bên cạnh đó bản thân các nhà trường và gia đình cũng chưa có đủ máy móc, thiết bị và mạng internet để mọi giáo viên và  học sinh đều có thể tham gia vào việc dạy và học theo hình thức trực tuyến.

Nhiều giáo viên cũng cho rằng dùng những ứng dụng trực tuyến để dạy chính khóa thì chưa thể được vì nguồn học liệu chưa đồng nhất, mỗi trường có một cách dạy và đánh giá riêng, chưa có chuẩn chung. Do đó, việc công nhận kiến thức các em học từ trực tuyến thay thế việc học ở lớp là chưa thể được. Điểm số trong quá trình học trực tuyến chỉ mang tính khuyến khích học sinh.

 
Hạ Lan